Về xã Vĩnh An (Ba Tri) vào một ngày nắng đẹp, chúng tôi nghe người dân kể chuyện xã có nhiều người tuy xa xứ nhưng luôn hướng về mảnh đất quê Vĩnh An. Từ căn nhà tình nghĩa đầu tiên được xây dựng ở xã, đến số học bổng hỗ trợ xuyên suốt nhiều năm qua cho học sinh nghèo ở địa phương đều do mạnh thường quân làm ăn ở xa trở về đóng góp.
Trong đó, phải kể đến “Học bổng cụ Lê Thị Dình”. Thời gian qua, học bổng đã tiếp sức nhiều học sinh ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và Bến Tre có hoàn cảnh gia đình khó khăn tiếp tục đến trường. Riêng tại Bến Tre, “Học bổng cụ Lê Thị Dình” đã hỗ trợ nhiều em nhỏ ở Vĩnh An suốt 9 năm qua.
Chị Nguyễn Thị Thuẩn (bìa trái) thăm gia đình em Đặng Thị Bé.
Qua thăm hỏi, chúng tôi được biết cụ Lê Thị Dình quê ở Đồng Tháp, vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm 1930, đã có rất nhiều cống hiến cho sự phát triển của quê hương, nước nhà. Cụ không có con, nên nhận ông Nguyễn Hoàng Ẩn (xã Vĩnh An - Ba Tri) làm con nuôi. Sau khi cụ bà mất, ông Ẩn đã bán đi phần di sản và sử dụng số tiền ấy vào việc làm từ thiện như: xây trường học, khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, tặng học bổng cho học sinh nghèo... Ông Nguyễn Hoàng Ẩn tâm sự: Cả cuộc đời ông bà (cha mẹ nuôi) đã cống hiến cho Đảng, cho Nước nhà, nên khi ông bà mất tôi muốn làm việc gì đó để thay ông bà tiếp tục cống hiến cho xã hội, lo cho thế hệ trẻ. Đó cũng là tấm lòng của một người con dành cho cha mẹ mình.
Chị Nguyễn Thị Thuẩn, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh An, người giới thiệu những học sinh nghèo để nhận “Học bổng cụ Lê Thị Dình” cho chúng tôi biết, học bổng này đã hỗ trợ cho 41 em suốt 9 năm qua, từ lớp 5 đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều kiện để nhận học bổng là học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và có nguy cơ bỏ học. Tổng số tiền hỗ trợ đến thời điểm này trên 90 triệu đồng. Hiện nay, có nhiều em đã tốt nghiệp THPT đang học cao đẳng, đại học, có em đã ra trường và đi làm...
Chúng tôi có dịp trò chuyện cùng một số học sinh đã và đang được nhận “Học bổng cụ Lê Thị Dình”. Em Trần Văn Trọng, mồ côi mẹ từ nhỏ, cha từ bỏ nên em sống với ông bà ngoại. Ông bà của em sống chủ yếu nhờ vào nguồn trợ cấp hàng tháng của Nhà nước dành cho người cao tuổi. Trọng tâm sự, em không có cha mẹ nên tự biết bản thân phải cố gắng nhiều. Em nhận “Học bổng cụ Lê Thị Dình” suốt gần 5 năm học, học bổng đã giúp em trang trải chi phí học tập, em rất biết ơn và tự hứa sẽ học, sẽ sống thật tốt để không phụ lòng cụ Lê Thị Dình. Tấm bằng tốt nghiệp THPT đã giúp Trọng tìm được một công việc tại khu công nghiệp Long An với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. Dù không có điều kiện để học tiếp nhưng giờ Trọng đã có thể tự lo cho bản thân và gửi tiền về phụ giúp ông bà. May mắn hơn Trần Văn Trọng, em Nguyễn Thị Tuyết Đào có cha mẹ bên cạnh, dù cuộc sống gia đình rất khó khăn. Đào đã được Hội LHPN xã xét chọn để nhận học bổng từ năm lớp 6 đến lớp 12. Số tiền hỗ trợ mỗi năm tuy không nhiều nhưng đã giúp em có sách vở đến trường. Hiện em đang là sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ (TP. Hồ Chí Minh).
Một trường họp khác, đó là hai học sinh nghèo, Nguyễn Văn Thanh và Đặng Thị Bé. Cả hai đều mồ côi mẹ, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Học bổng mang tên cụ Lê Thị Dình đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để các em vững bước trên con đường học vấn. Kết quả, em Đặng Thị Bé, vừa đậu đại học và cao đẳng, hoàn cảnh gia đình hiện rất khó khăn, Hội LHPN xã đang vận động “Học bổng cụ Lê Thị Dình” tiếp tục hỗ trợ để em được đi học, có nghề nghiệp ổn định, tạo dựng tương lai tươi sáng hơn.
Hàng năm, trong những dịp về thăm quê, ông Nguyễn Hoàng Ẩn lại gặp gỡ những em học sinh nghèo tại quê mình và trao tặng các em những phần quà, học bổng mang tên người mẹ quá cố Lê Thị Dình. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, tấm lòng mà ông Nguyễn Hoàng Ẩn dành cho cha mẹ, quê hương của mình mới thiết tha và ý nghĩa làm sao!